Header Ads

Thông Tin Về Phú Yên Và Kinh Nghiệm Du Lịch Phần 1.

Thông Tin Về Phú Yên Và Kinh Nghiệm Du Lịch

Phú Yên là một trong những tỉnh miền trung đầy tiềm năng về du lịch. Phú Yên được đánh giá là một viên ngọc chưa mài trong lĩnh vực du lịch. Phú Yên là một viên ngọc chưa mài. Nhiều người nghe mình bảo đi Phú Yên thường hỏi lại "Là ở Nha Trang à ?" hoặc “Phú Yên thì có cái gì ?" và mình (hầu như) cũng chỉ biết lôi Gành Đá Đĩa ra làm ví dụ, vì chỗ đấy có vẻ nổi tiếng nhất. Sự thực là Phú Yên đẹp, tiềm năng du lịch rất lớn, cảnh quan còn tương đối nguyên vẹn, người dân chân thật, thành phố Tuy Hòa yên bình,... nhưng ngành nghề chính ở đây chỉ là đánh bắt cá ngừ đại dương, chứ du lịch dường như không được quan tâm mấy. Một điều bất lợi nữa của Phú Yên là ở vị trí địa lý: Phú Yên nằm lọt khe giữa Quy Nhơn và Khánh Hòa, từ Phú Yên đi lên phía Bắc về Quy Nhơn chỉ khoảng 160km, về phía Nam, xuống Nha Trang cũng chỉ chừng ấy. So với Phú Yên, Quy Nhơn và nhất là Nha Trang nổi tiếng hơn nhiều, khách du lịch cũng có cái định kiến trong đầu: Phú Yên thì có gì đâu, đã đi đến đây thì chạy cố thêm tí vào Nha Trang cho có nhiều chỗ chơi. Vì thế Phú Yên có lẽ an phận với vai trò một điểm nghỉ chân dọc đường vào Nam, dừng xe cho đỡ nóng máy trước khi đi tiếp tới Nha Trang để rồi ăn chơi quần quật, vậy thôi.
8h tối đi giữa đường phố Tuy Hòa – thủ phủ của Phú Yên vắng tanh, quay đầu xe chả cần nhìn. Ngay cả trên trục phố chính cũng chỉ lác đác xe cộ. Có vẻ Tuy Hòa thiếu vắng bóng thanh niên, vì thanh niên ở đây đi học, đi lập nghiệp ở nơi khác hết. Nhiều lúc đi trong thành phố mà một mình một đường, đèn cao áp le lói, rừng phi lao gió thổi, sợ ma vãi cả tiểu đường. Nếu ai đã từng đến và thích Cô Tô của 4-5 năm trước, khi còn chưa có điện, chưa đông đúc xô bồ, thì chắc sẽ thích Phú Yên tương tự thế.

Thông Tin Về Phú Yên Và Kinh Nghiệm Du Lịch 1

Kinh Nghiệm Lên Lịch Trình Du Lịch phú Yên.

Nếu đến Phú Yên để tìm kiếm một nơi nghỉ dưỡng tiện nghi, được thăm quan nhiều nơi mà không phải đi lại nhiều thì mình nghĩ bạn nên đổi sang nơi khác. Như đã nói ở các phần trước, các điểm du lịch ở Phú Yên tương đối cách xa nhau và cũng xa thành phố, sẽ không phải là phương án phù hợp cho người ngại đi. Phú Yên cũng không phải một tỉnh giàu có và phát triển về du lịch, vì vậy trước khi đi, hãy hiểu rằng đây sẽ là một chuyến đi bụi, để mong đợi của bạn không quá cao, khi đến nơi dễ thất vọng. Có điều kiện hơn bạn có thể đi du lịch Karela - Ấn Độ để trải nghiệm không khí nơi đây.
Với một chuyến đi Phú Yên, mình đề xuất lịch trình đi chơi như sau.

Thông Tin Về Phú Yên Và Kinh Nghiệm Du Lịch 2

Ngày thứ 1:

Vì máy bay từ Hà Nội sẽ cất cánh lúc 7h sáng và tới Tuy Hòa vào chừng 9h sáng, do
đó sau khi nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi, coi như mất đứt nửa ngày thứ 1.
Buổi chiều ngày thứ 1 dành cho việc thăm thú một số địa điểm trong thành phố:
- Núi Chóp Chài: ngọn núi trơ trọi cao chừng 400m như cái nón úp ngược ở giữa
đồng bằng, rìa thành phố với tầm nhìn rộng. Trên đỉnh núi có một trạm viba và doanh trại quân đội. Đi thẳng theo đường Nguyễn Tất Thành chừng 4-5km, nên có tay lái cứng để lên và xuống núi an toàn.
- Tháp Nhạn – núi Nhạn: là biểu tượng của Phú Yên, với ngọn tháp Chăm xây từ thế kỷ XII. Trên núi còn có đài tưởng niệm liệt sỹ tỉnh và trên đỉnh núi còn lại di tích lô cốt, hầm hào từ thời chiến tranh. Tháp Nhạn nằm ở đường Lê Trung Kiên, đi dọc Lê Lợi hoặc Lê Thánh Tôn, rẽ trái là sang Lê Trung Kiên. Có thể phi xe máy lên đến gần tháp được, trên đó cũng có bãi trông xe. Thời gian phù hợp nhất để lên Tháp Nhạn là chừng 5h chiều, nắng nhẹ, trời mát và đến khoảng 7h tối, tháp lên đèn, đẹp theo một kiểu khác. Không nên lên tháp quá muộn.

Loanh quanh núi Nhạn có hàng bánh bèo khá ngon ngay đường Lê Trung Kiên giao với Tản Đà. Có mấy quán liền nhau nhưng mình ăn quán giữa, đông khách nhất và có vẻ ngon nhất. Ngoài ra rẽ phải sang Tản Đà, đi chừng 100m có hàng nem nướng Ninh Hòa, ăn ổn, theo mình là xêm xêm nem nướng bà Nghĩa Đà Lạt, có điều bánh đa khá to và cứng, phải dùng nước làm mềm, mà đã mềm thì lại hơi khó cuốn.

Thông Tin Về Phú Yên Và Kinh Nghiệm Du Lịch 3

Một số địa điểm khác trong thành phố

+ Chùa Bảo Lâm: có một bức tượng Phật ngồi đồ sộ và sự linh thiêng, nằm tọa lạc dưới chân núi Chóp Chài, từ ngã tư Nguyễn Tất Thành và Trần Hưng Đạo đi thẳng đường Nguyễn Tất Thành theo hướng Bắc khoảng 3,3 km, nhìn bên trái sẽ thấy bức tượng Phật lớn, phía dưới có con đường nhỏ rẽ vào chùa. Nếu đi từ trên núi Chóp Chài xuống đường nhựa thì rẽ phải, đi chừng hơn trăm mét là tới. Mình đã vào, chùa cũng không có gì đặc biệt, nếu muốn thắp hương lễ Phật bình thường thì có thể ghé qua trên đường từ Chóp Chài về.
+ Chùa Hồ Sơn Cổ Tự: đây là ngôi chùa cổ, đc xây dựng cách nay 300 năm, nằm ngay trong tp. Tuy Hòa. Đi thẳng Nguyễn Huệ qua ngã tư với Hùng Vương sẽ thấy sân vận động thì rẽ xuống lối vào chùa ở đối diện sân vận động đó. Mình đã ghé qua nhưng không vào vì cửa đóng mà nhìn bên ngoài thấy cũng không hấp dẫn lắm.

Ngày thứ 2:

Đi tuyến phía Bắc. Nên đi sớm để có thể dành thời gian cho các điểm đến.
- Thác Vực Hòm: cách Tuy Hòa chừng 45km là thác với những cột đá bazal giống
như thác Svartifoss ở Iceland và được tạo ra theo cách giống như Gành Đá Đĩa. Đường đi Thác Vực Hòm: từ Tuy Hòa đi theo QL1A về phía Bắc 20km, tới ngã ba Hòa Đa rẽ trái, đi khoảng 10km rồi rẽ sang đường đất thêm 10-15km thì hỏi thăm. Phải gửi xe ở ngoài và đi bộ chừng 1km để đến được thác.

Nhà thờ Mằng Lăng: nhà thờ đã 120 năm tuổi, nơi lưu giữ cuốn Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Việt, cách Tuy Hòa khoảng 30km. Đây cũng là nơi thờ Anrê Phú Yên – 1 trong 91 người được Linh mục Alexandre de Rhodes rửa tội và sau này trở thành thầy giảng trong Giáo đoàn. Trong thời kỳ các chúa Nguyễn chủ trương diệt đạo, bài trừ Công giáo, Anrê Phú Yên bị bắt và bị buộc phải cải đạo, nhưng ông quyết không phản bội đức tin, sẵn sàng đem mạng sống của mình ra để thể hiện sự trung thành với chúa Kitô. Năm 1644, khi mới 19 tuổi, ông bị kết án giải đi khắp phố phường rồi bị giết bằng cách đâm giáo vào sườn, chém đầu thị chúng. Năm 2000, Giáo hoàng Công giáo đã ban chân phước – tương đương với việc phong cho ông danh hiệu Á Thánh. Từ Thác Vực Hòm ngược ra QL1A, đi tiếp về phía Bắc tới ngã ba Chí Thạnh thì đi thẳng thêm 2km, bên phải

đường sẽ có biển chỉ dẫn đi nhà thờ Mằng Lăng, Gành Đá Đĩa. Rẽ phải theo biển chỉ dẫn, đi thêm 7km là đến nhà thờ.
- Gành Đá Đĩa: gành đá tạo bởi những cột đá bazal lục lăng sau quá trình nham thạch núi lửa gặp nước biển, bị làm lạnh đột ngột. Từ nhà thờ Mằng Lăng đi ngược ra, gặp biển chỉ dẫn đi Gành Đá Đĩa thì rẽ theo, đi thêm chừng 12km là đến.
- Hải đăng Gành Đèn: trước khi đến Gành Đá Đĩa chừng 1km sẽ có một đường rẽ đi sâu xuống. Đi theo đường nhỏ này sẽ gặp trạm gác đèn, để xe ở đây và đi bộ tiếp sang Gành Đèn. Gành Đèn là một hải đăng nhỏ nằm trên gành đá lô nhô, khá đẹp.
- Đầm Ô Loan: nằm sát quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hoà chừng 25km. Đầm Ô Loan có thể ghé qua trên đường từ Gành Đá Đĩa về phía cầu An Hải. Dưới cầu có khá nhiều nhà hàng hải sản tươi sống. Đầm Ô Loan nổi tiếng với sò huyết và hàu. Hai quán được nhiều người khuyến cáo là quán Thúy Kiều và quán Tuấn.

Một số điểm khác thuộc tuyến phía Bắc có thể ghé qua:

+ Cầu gỗ Tuy An: từ nhà thờ Mằng Lăng rẽ ngược ra QL1A, đi tiếp về phía Bắc qua chùa Đá Trắng chừng 3km, trước khi đến dốc vườn xoài sẽ có một lối nhỏ rẽ xuống ở bên tay phải. Đi theo đường nhỏ này một đoạn sẽ gặp cây cầu gỗ dài 800m bắc qua sông. Có thể đi tiếp qua cầu để về Gành Đá Đĩa qua đường cảng Tiên Châu đi xuống, với điều kiện bạn có thiết bị GPS tốt và một trái tim tốt, vì chạy xe qua cầu lọc xọc lọc xọc khá là kinh. Cầu này ô tô không qua được.

 Thị xã Sông Cầu: từ nhà thờ Mằng Lăng ngược ra QL1A, thẳng tiến hướng Bắc sẽ tới Vịnh Xuân Đài và Thị xã Sông Cầu, cách thành phố Tuy Hòa chừng 65-70km. Có thể ăn trưa tại điểm dừng A-stop, nằm ngay cạnh bãi tắm của thị xã, chỉ cần chạy theo trục chính là thấy. Trên đỉnh dốc đoạn trước khi đến cầu Tam Giang cũng có quán cafe Vọng Cảnh có thể ngồi ngắm cảnh vịnh Xuân Đài.
+ Địa đạo Gò Thì Thùng: là 1 trong 3 địa đạo lớn của Việt Nam, sau Củ Chi và Vịnh Mốc, mới được khôi phục một phần và đưa vào khai thác du lịch từ năm 2013. Nơi đây còn chưa được đầu tư đầy đủ, phần địa đạo có thể đi được chừng vài trăm mét, không có hướng dẫn viên và nếu xuống địa đạo nhớ mang theo đèn pin tốt, do dưới đó cũng không có hệ thống chiếu sáng. Địa đạo gò Thì Thùng thuộc thôn Xuân Thành, xã An Xuân, cách TP.Tuy Hoà theo quốc lộ 1A khoảng 45km về phía Bắc,đến Ngã Ba Chí Thạnh rẽ trái, vừa đi vừa hỏi thăm đường lên trung tâm xã An Xuân. Địa đạo cách trụ sở UBND xã An Xuân chừng 100 – 200m.

Chùa Thanh Lương: có tượng Phật bằng gỗ (nghe nói) ngàn năm tuổi, được ngư dân Phú Yên vớt được khi đang trôi dạt trên biển. Chùa ở thôn Mỹ Quang , xã An Chấn , Huyện Tuy An, Phú Yên, đi QL1A hoặc thẳng Lê Duẩn đều được. Nếu đi QL1A sau khi qua Sao Việt resort sẽ có lối rẽ phải và biển chỉ dẫn. Đi thẳng Lê Duẩn sẽ gần hơn một chút, qua sông Đồng Nai rồi cũng rẽ phải, đến ngã ba rẽ trái, đi một đoạn là đến.

Chùa Tổ: cổ kính, phong cảnh hữu tình. Chùa nằm trên núi nhưng có một giếng nước cổ quanh năm trong xanh, lại trồng một giống ngô chỉ cao chừng 15cm nhưng vẫn có bắp, hạt to và chắc như ngô bình thường. Chùa Tổ nằm gần đỉnh núi Long sơn, thôn Phú Mỹ, Xã An hiệp, huyện Tuy An. Từ Tuy Hòa đi theo QL1A đến giữa đèo Quán Cau, rẽ trái theo con đường dốc rồi đi thẳng sẽ đến chùa.


Không có nhận xét nào